CAM KẾT 100% CHÍNH HÃNGnguồn gốc, xuất xứ sản phẩm rõ ràng ĐÓNG GÓI CẨN THẬNđảm bảo độ an toàn cho sản phẩm XEM HÀNG TRƯỚC KHI NHẬNquyền lợi tối đa cho khách hàng
Những ngày đầu năm mới Nhâm Thìn, nhộn nhịp và ngập tràn không khí Xuân nhất  ở Thủ đô Hà Nội chính là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được coi là nơi hội tụ tinh hoa, linh khí của học vấn nước nhà, với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.
Bà con ở khắp mọi miền đất nước, kiều bào, du khách nước ngoài về đây du Xuân, tham quan, lễ bái cầu may. Đặc biệt nhất là các cháu học sinh, sinh viên với tâm niệm đầu Xuân năm mới đến cầu mong được học hành tiến bộ, đỗ đạt thành tài.
Không khí lễ hội Xuân tưng bừng cả bên ngoài và trong khuôn viên Trường đại học đầu tiên của đất nước – Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Từ Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, vào đến Đại Thành môn và khu Thái Học, Ban tổ chức đã dụng công trang hoàng di tích văn hóa rực rỡ cờ phướn, những lối hoa lối chữ được xén tỉa công phu, bài bản và thanh nhã khơi dậy nơi khách tham quan một cảm giác thiêng liêng trân trọng những giá trị nhân văn ngàn đời chứa đựng trên mảnh đất này.
Petrotimes gửi đến bạn đọc chùm ảnh Văn Miếu đầu Xuân:
Khuê Văn Các được dựng lên cách nay 207 năm, vào tháng 8 năm Ất Mùi, niên hiệu Gia Long thứ 4 (1805), là biểu tượng của Hà Nội văn hiến. Giếng Thiên Quang (tức “giếng soi ánh sáng bầu trời”) còn được gọi là Văn Trì (Ao Văn). Đặt tên này cho giếng, người xây dựng có ý muốn nói con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn.
Trước tượng đức Khổng Tử lúc nào cũng đông nghịt khách thập phương bái lễ, tuy vậy dường như không có ai chen lấn xô đẩy, ở nơi văn hóa thiêng liêng này, mọi người đều cảm thấy cần ứng xử nhẹ nhàng, nhường nhịn nhau hơn.
Du khách và nhân dân tôn kính dâng hương trước tượng thờ Danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An. Nơi đây cũng trưng bày về Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long và nền giáo dục Nho học Việt Nam, giới thiệu khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng những giá trị sâu sắc của truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, đề cao nhân tài, thừa kế và phát huy di sản văn hoá dân tộc.
Chàng phiên dịch phải trổ hết tài năng mới có thể làm cho các du khách nước ngoài hiểu hết được lịch sử và ý nghĩa văn hóa của những tấm bia tiến sỹ độc đáo Việt Nam.
“Cháu năm ngoái đã vào đây xin chữ ‘Đăng Khoa’ và đỗ đại học, năm nay cháu dẫn các em đến chụp ảnh kỷ niệm và xin chữ” – Cô bé trưởng đoàn của gần hai chục đứa em, vừa đóng vai thợ ảnh vừa đóng vai chị gái bảo ban các em giữ lễ.
Đoàn Thanh Hằng của Quận Hai Bà Trưng gồm hầu hết là các phụ nữ đứng tuổi, trang phục hết sức lộng lẫy, cứ mùng 4 Tết hàng năm đều đến đây dâng hương và bái tế. Buổi lễ trọng thể và trang nghiêm nhưng cũng hết sức sôi động bởi những màn múa độc đáo, nét văn hóa này thu hút và làm say mê hầu hết mọi du khách.
Cả gia đình anh đều xin chữ, mỗi người được quyền chọn cho mình một chữ cho phù hợp với cầu mong trong năm mới, lại đề cả tên mình bên dưới, chữ mới viết xong còn chưa ráo mực phải trải ra mặt sân để hong khô, nhân thể bình luận chữ của ai đẹp hơn ai. Có gia đình ở tận Nam Định, con cháu học hành giỏi giang, nề nếp, nhiều năm qua, năm nào cũng thuê một chuyến xe, cả nhà đến lễ bái và xin chữ đầu Xuân, nay đã thành truyền thống, gia phong, thành nét văn hóa không thể thiếu.
Khu Thái học năm nay đặc biệt đông đúc, suốt từ mùng 2 đến mùng 7 Tết, các sỹ tử lũ lượt xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới đến lượt lấy tíc kê, mỗi người chỉ được mua 2 trang giấy dó, giấy tuyên, từ 40 ngàn đến 60 ngàn đồng một trang, sau đó bàn nào vào bàn nấy xin các thầy đồ phóng bút theo nguyện vọng. Có lẽ chỉ ở nơi đây, chữ nghĩa mới được thực sự nâng niu đến thế.
Háo hức chờ lấy chữ…
Chữ chưa khô… thôi thì đành trải ra mặt sân đón gió Xuân, tranh thủ ăn quà và chơi đùa.
Mặc dù Ban tổ chức đã giăng dây lụa, không cho phép vào xoa đầu rùa (vì xoa nhiều mòn hết hoa văn và chữ khắc trên bia) nhưng các bậc phụ huynh muốn con hiếu học vẫn cứ “liều mạng” phá lệ.
Tranh thủ lúc không có bảo vệ, các sĩ tử cũng “vượt rào”
Cô gái bán Chuông sao Khuê và Rùa bia tiến sỹ làm quà lưu niệm cho khách chợt e lệ trước ống kính phóng viên nhưng rồi lại rất nhiệt tìng giảng giải về ý nghĩa của các vật lưu niệm khiến cho du khách khó thể nào từ chối.
Trận cờ người kéo dài vài tiếng đồng hồ, các cháu học sinh đều biết hết sức nghiêm túc và nhẫn nại vào vai các quân cờ vì các cháu đều hiểu rằng hàng trăm du khách thập phương đang chứng kiến một trò chơi văn hóa cổ truyền đặc sắc do các cháu biểu diễn.
Cậu bé người Italia tươi tắn và hiếu động này vô cùng háo hức trước cảnh đón xuân đặc sắc của người Việt. Cậu len lỏi ngó nghiêng và luôn miệng hỏi mẹ về những vấn đề mà chính mẹ cậu cũng rất mơ hồ. Điều quan trọng nhất là cả hai mẹ con đều thấy chuyến du Xuân đất Việt lần này thật nhiều cảm xúc và ý nghĩa.
Tiến Dũng - nguồn: Năng lượng mới

SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ