![]() |
Nơi đặt phiên bản gốc tượng đài Thánh Gióng hiện là công trường xây dựng |
Hiện tại, cơ sở đúc tượng và nơi đặt phiên bản chính của tượng đài đã là một công trường lớn, và được quây kín trong đó đang thi công với mục đích mới. Đây đó quanh khu vực vẫn có các phật tử và du khách đến thắp hương, vái vọng…
Ngày 1.4, có mặt tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (HN) nơi xảy ra sự việc, các phòng ban đóng cửa hết. Tìm gặp bảo vệ cũng không thấy ai. Những người dân bán hàng bảo: Nghỉ ngày lễ Giỗ Tổ mà, rồi chỉ tay về phía mẫu tượng pho tượng Thánh Gióng nằm án ngữ ngay cửa ra vào trụ sở UBND xã cho biết, “Tượng vừa được chuyển từ sân bóng về hôm qua. Tay ngài bị chém gãy, mình mẩy xước xát cả, bát hương cũng không mang theo…”.
Ấy là một phiên bản có thể được xem là duy nhất còn sót lại. Hỏi chuyện một số nhà sư ở gần khu vực chùa Sóc thì được biết, đấy chưa phải là phiên bản chuẩn cuối cùng đã từng hô thần nhập tượng và cũng được các chuyên gia, các nhà khoa học kiểm chứng để chính thức đúc thành pho tượng như hiện nay. Mẫu tượng chính thức đã bị phá huỷ tan tành ngay từ ngày ông Công ông Táo lên trời dịp trước Tết vừa rồi, giờ không còn lấy một mảnh.
Vậy tại sao, trước thông tin phiên bản chính đã bị phá nát mà dư luận đã phản ánh, ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc Công ty Đầu tư dịch vụ vui chơi, thể thao giải trí HN, người có mặt và trực tiếp chỉ đạo lại khẳng định: “Công ty không cho người giật đổ phiên bản gốc tượng đài Thánh Gióng. Bức tượng đó hiện nay, sau khi cẩu lên đã được mang về đặt tại sân bóng (gần UBND xã)”.

Tác giả Kim Xuân khẳng định: Bức tượng đặt trong sân UBND xã Phù Linh từ sáng 31.3 không phải phiên bản gốc mà là một bản sao, bị hỏng, không đúng về tỷ lệ và nhiều yếu tố kỹ thuật khác (Ảnh chụp sáng 1.4.2012)
Trong khi đó, tác giả của bức tượng, ông Nguyễn Kim Xuân một mực khẳng định: Đó là một bản sao, bị hỏng, không đúng về tỷ lệ và nhiều yếu tố kỹ thuật khác”. Pho tượng này vừa được đưa từ sân bóng vào UBND xã Phù Linh. Nhân dân trong vùng đều khẳng định đó không phải là pho tượng (bản chuẩn cuối cùng) từng được trưng bày và đúc thành tượng đồng hiện nay. Pho tượng này giờ đã mất toàn bộ mọi chi tiết?
Đó là một công trường lớn, đang thi công và được quây mới bằng lưới B40 và những tấm tôn cao quá đầu người. Nơi pho tượng từng uy nghi toạ lạc đã không còn dấu tích. Ông Nguyễn Văn Bảy, người bán hàng ngay kế bên khu vực cũng chỉ có thể xác định lại vị trí cho chúng tôi một cách tương đối thông qua phần móng của bệ tượng.
Những công nhân tại đây khi hỏi về pho tượng đều lắc đầu quầy quậy, cũng có một số người cho rằng, đúc tượng chính xong rồi thì còn để nguyên mẫu làm gì? Và họ thản nhiên trước quyết định vội vàng trong quá trình san lấp mặt bằng và tháo dỡ. Thực tế thì không ít người dân đã chính mắt phải chứng kiến cảnh mẫu pho tượng bị ủi sập trước nhiều công nhân và các loại máy móc vào ngày những ngày trước Tết.
Tìm vào Ban quản lý Di tích đền Sóc, ông Trần Nho Nam, Phó giám đốc chỉ cho biết tượng đài Thánh Gióng, sau khi dựng đến nay được trông coi và chăm sóc nghiêm ngặt với 2 kíp trực ngày đêm và chất lượng cũng như thẩm mỹ luôn đảm bảo. Riêng về phiên bản gốc của tượng đài thì không thuộc phạm vi các ông quản lý. Tuy vậy, vì hằng ngày đi qua tuyến đường UBND xã toạ lạc nên ông khẳng định: Phiên bản mới chuyển từ sân bóng về trụ sở của xã không phải là phiên bản gốc của tượng đài Thánh Gióng.
Vì lý do gì mà lại có nhóm người ngang nhiên dỡ bỏ phiên bản tượng đài gốc, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nói gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp tới độc giả trong những số báo tới.
Nhóm Phóng viên
baovanhoa.vn