CAM KẾT 100% CHÍNH HÃNGnguồn gốc, xuất xứ sản phẩm rõ ràng ĐÓNG GÓI CẨN THẬNđảm bảo độ an toàn cho sản phẩm XEM HÀNG TRƯỚC KHI NHẬNquyền lợi tối đa cho khách hàng

Ông Kim Xuân khẳng định: Mẫu tượng làm bằng composite được đặt trong sân UBND xã Phù Linh từ chiều 31.3 là mẫu có nhiều sai sót và không phải là mẫu nguyên bản
VH- Tìm hiểu kỹ hơn về việc tổ chức phá dỡ mẫu phiên bản hoàn chỉnh nhất tượng đài Thánh Gióng, chúng tôi được biết, mặc dù đã được “khuyến cáo” một cách cẩn trọng từ những người có trách nhiệm, song không hiểu sao họ vẫn ngang nhiên, thậm chí là bất chấp để thực hiện hành vi phản cảm này.
Sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại, sáng 3.4, ông Nguyễn Đắc Lộc, nguyên Phó ban quản lý Dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng - là người nắm rất rõ sự việc phá dỡ phiên bản hoàn chỉnh nhất mẫu tượng đài Thánh Gióng - đồng ý tiếp nhóm phóng viên Báo Văn Hoá để kể lại toàn bộ sự việc. Theo ông, đây cũng là lần đầu tiên ông cho biết một cách chi tiết nhất về vụ việc này.

"Qua Báo Văn Hoá tôi xin có một kiến nghị: Từ mẫu nguyên bản tượng Thánh Gióng này, tôi được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao làm việc với tác giả, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân về việc thúc đẩy đúc ra 3 pho tượng bằng đồng có cùng kích thước với mẫu nguyên bản để cúng tiến đặt tại ba miền của Tổ quốc. Sau khi đúc xong, mẫu nguyên bản tượng Thánh Gióng này được rước về đặt trong Bảo tàng Học viện Phật giáo tại Sóc Sơn. Tuy nhiên, đến nay mẫu nguyên bản đã bị người ta phá huỷ, vì vậy đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xác định chính xác ai là người chỉ đạo phá mẫu tượng này để trả lời công luận." (Ông Nguyễn Đắc Lộc)

Bằng giọng nói chậm rãi, từ tốn, ông Nguyễn Đắc Lộc kể: “Sáng ngày 17.1.2012 (tức ngày 24 tháng Chạp, năm Tân Mão), tôi được Trung ương Giáo hội Phật giáo VN cử lên đỉnh núi Chồng để dự buổi họp bàn giao công trình tượng đài Thánh Gióng cho UBND huyện Sóc Sơn quản lý.
Khi xong việc và đang xuống núi thì tôi bắt gặp một ô tô tải, trên đó chở mẫu tượng Thánh Gióng được làm bằng chất liệu composite (vốn đang được đặt tại bãi đúc tượng đài Thánh Gióng) đi lên đỉnh núi.
Tìm hiểu ra thì được biết, họ định chở mẫu tượng này để đặt trên đỉnh núi, nhưng sau đó do Ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hoá đền Sóc không đồng ý nên họ chở mẫu tượng đi đâu thì tôi không được hay.
Mãi sau này mới biết là họ chở mẫu tượng này về để trong sân vận động, đoạn đối diện với trụ sở UBND xã Phù Linh. Nghe đâu lại mới chuyển vào trong sân trụ sở UBND xã rồi”.
“Nhận thấy có vấn đề, khoảng 13h30 ngày 17.1.2012, tôi đã gọi điện cho anh Hoàng Minh Tân, Giám đốc dự án của Công ty CP Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí-thể thao Hà Nội vào lán trại công trường, ngay sát bãi đúc tượng Thánh Gióng để trao đổi.
Vài phút sau đó, anh Tân vào lán trại gặp tôi. Tại đây, tôi đã nói với anh Tân rằng, “Các anh không được phá dỡ mẫu tượng nguyên bản Thánh Gióng được làm bằng chất liệu thạch cao đang được đặt dựng tại đây.
Vì mẫu này đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, sau khi đúc xong 3 pho tượng cùng kích thước với mẫu tượng này và sẽ cúng tiến đặt ở ba miền của đất nước thì sẽ rước mẫu tượng nguyên bản đang đặt dựng tại đây vào trong Bảo tàng Học viện Phật giáo tại Sóc Sơn”. Khi nghe tôi nói vậy, anh Tân trả lời: Đồng ý”.
Ông Nguyễn Đắc Lộc tại buổi trao đổi với P.V Báo Văn Hóa 
Ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết thêm, khi nhận được câu trả như vậy nên ông cũng cảm thấy yên tâm và vào trong lán trại nghỉ. Còn anh Tân cũng đi về. Nhưng được khoảng hai tiếng sau, anh em bảo vệ chạy vào lán trại báo, “Mẫu nguyên bản tượng Thánh Gióng bị người ta kéo máy xúc vào phá nát hết rồi”.
Lập tức, “Tôi chạy ra ngoài và thấy mẫu tượng nguyên bản đã bị người ta phá đến chân bục. Quá đau xót xen lẫn bức xúc, tôi gọi ngay cho anh Tân để hỏi rõ sự việc, rằng vì sao lại làm như thế. Đầu dây bên kia, anh Tân trả lời: “Tôi không biết”. Sau đó tôi báo sự việc này với Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam”.
 Tác giả Nguyễn Kim Xuân: “Tôi khẳng định mẫu tượng làm bằng composite đặt tại sân UBND xã Phù Linh hiện nay không phải là nguyên bản”

Trả lời câu hỏi của phóng viên, “Được biết cách đó vài ngày ông có tham dự cuộc họp do UBND huyện Sóc Sơn chủ trì về việc bàn giao khu đất mà Học viện Phật giáo Việt Nam mượn của Công ty CP Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí-thể thao Hà Nội để làm bãi đúc tượng Thánh Gióng.
Và tại cuộc họp này, các bên đều thống nhất là vào ngày 15.2.2012, Học viện Phật giáo Việt Nam mới tiến hành bàn giao khu đất. Điều này có đúng không?”, ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết: “Đúng là có việc đó.
Tuy nhiên, thông tin thì chưa thật sự chính xác. Cụ thể là, ngày 12.1.2012, tôi trực tiếp tham dự cuộc họp trên do ông Nguyễn Đức Trí, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chủ trì. Kết thúc cuộc họp, Phó chủ tịch kết luận là ngày 15.2.2012, Học viện Phật giáo phải bàn giao khu đất dùng làm nơi đúc tượng Thánh Gióng cho chủ đầu tư.
Sau đó tôi được biết, trong văn bản Thông báo kết luận về cuộc họp này thì thời gian có thay đổi, thay vì phải là ngày 15.2.2012 thì văn bản phát ra lại là ngày 18.1.2012, Học viện Phật giáo phải bàn giao.
Mẫu tượng đài Thánh Gióng bằng chất liệu thạch cao được phóng với tỷ lệ 1/1 để đúc thành tượng đài Thánh Gióng hiện nay. Sau khi đúc thành công công trình tượng đài thì những người có trách nhiệm đã hạ dỡ mẫu tượng này (theo giới chuyên môn đây mới là mẫu trung gian)
Mẫu phác thảo hoàn chỉnh dự kiến được đặt trong Bảo tàng Học viện Phật giáo Việt Nam đã bị phá nát ngày 17.1.2012
Trong khi Học viện Phật giáo chưa kịp bàn giao theo thời hạn trên thì ngày 16.1.2012 (tức ngày ông Công, ông Táo về trời), chủ đầu tư đã cho người vào phá tường bao và các công trình nằm trên khu đất đó. Và sang ngày hôm sau, tức ngày 24 tháng Chạp năm Tân Mão, người ta lại vô tâm phá nốt mẫu nguyên bản tượng Thánh Gióng”.
Đại biểu QH Dương Trung Quốc: Đó là hành vi thiếu văn hoá

Dù tác phẩm đó được làm bằng chất liệu gì đi nữa nhưng đấy là mẫu tượng của một vị đức thánh của dân tộc thì cũng không được phép can thiệp thô bạo đến như thế. Việc làm này đã gây nên sự bức xúc của nhân dân và là một việc làm thiếu văn hoá. Trách nhiệm này không chỉ riêng của chủ đầu tư khu đất đó mà còn của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Vì thế cần phải xác định trách nhiệm cho thật rõ của các bên liên quan. 

Xung quanh vấn đề về thời điểm bàn giao khu đất cho chủ đầu tư, ông Nguyễn Đắc Lộc cho rằng: “Hôm diễn ra cuộc họp, mọi người tham dự trong đó có tôi đều nghe rất rõ ông Nguyễn Đức Trí, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kết luận là, ngày 15.2.2012, Học viện Phật giáo Việt Nam bàn giao khu đất dùng làm nơi đúc tượng Thánh Gióng cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà văn bản Thông báo kết luận cuộc họp lại đề ngày 18.1.2012. Tôi sẵn sàng đối chất về vấn đề này, cụ thể là hôm đó ông Nguyễn Đức Trí kết luận ngày 15.2.2012 mới tiến hành bàn giao khu đất chứ không phải là ngày 18.1.2012”.
Trước những diễn biến của vụ việc như vậy, ông có đề nghị gì? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Lộc cho biết: “Qua Báo Văn Hoá tôi xin có một kiến nghị: Từ mẫu nguyên bản tượng Thánh Gióng này, tôi được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao làm việc với tác giả, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân về việc thúc đẩy đúc ra 3 pho tượng bằng đồng có cùng kích thước với mẫu nguyên bản để cúng tiến đặt tại ba miền của Tổ quốc.
Sau khi đúc xong, mẫu nguyên bản tượng Thánh Gióng này được rước về đặt trong Bảo tàng Học viện Phật giáo tại Sóc Sơn. Tuy nhiên, đến nay mẫu nguyên bản đã bị người ta phá huỷ, vì vậy đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xác định chính xác ai là người chỉ đạo phá mẫu tượng này để trả lời công luận”.

 “Tôi khẳng định mẫu tượng làm bằng composite đặt tại sân UBND xã Phù Linh hiện nay không phải là nguyên bản” 

Ông Nguyễn Kim Xuân
Trước việc dư luận báo chí phản ánh mẫu phác thảo hoàn chỉnh nhất tượng đài Thánh Gióng bị phá dỡ một cách không thương tiếc, ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc dự án của Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí-thể thao Hà Nội, cho rằng: Trong quá trình giải toả, tháo dỡ tài sản và các công trình nằm trên khu đất đúc tượng đài Thánh Gióng dưới chân núi Sóc Sơn, Công ty của ông không cho người giật đổ bản gốc tượng đài Thánh Gióng. Hiện nay, bức tượng đó, sau khi cẩu lên đã được mang về đặt tại sân bóng đá ở gần UBND xã Phù Linh. 
Ngày 2.4, trao đổi với nhóm phóng viên Báo Văn Hoá, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân, tác giả công trình tượng đài Thánh Gióng khẳng định: “Mẫu tượng làm chất liệu composite được chuyển về đặt trong sân bóng đá, đoạn đối diện với UBND xã Phù Linh, và không hiểu vì lý do gì mà họ vội vàng chuyển về đặt trong sân UBND xã Phù Linh (xem Báo Văn Hóa số 2139 ra ngày 2.4.2012 - PV) không phải là mẫu nguyên bản tượng đài Thánh Gióng do tôi phóng tác, hoàn chỉnh.
Trả lời câu hỏi vì sao lại có mẫu tượng Thánh Gióng được làm bằng chất liệu composite này, ông Xuân cho biết: Sau khi đúc thành công công trình tượng đài Thánh Gióng, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có đề nghị tôi đúc thêm một mẫu tượng bằng chất liệu composite cùng kích thước với mẫu nguyên bản tượng đài Thánh Gióng, với mục đích: Một phần để bảo quản mẫu tượng nguyên bản được làm bằng chất liệu thạch cao (bởi nếu dùng mẫu này để tiến hành đúc sẽ khó đảm bảo an toàn vì chất liệu thạch cao dễ gãy, vỡ. Hơn nữa mẫu tượng này sẽ được rước đặt trong Bảo tàng Học viện Phật giáo tại Sóc Sơn); mặt khác làm mẫu chuẩn để tiến hành đúc tiếp ba tượng bằng đồng để cúng tiến đặt tại ba miền của Tổ quốc. Nhưng khi đúc xong bằng chất liệu composite, với tư cách là tác giả tôi nhận thấy tỷ lệ, kích thước không đúng với mẫu nguyên bản. Có rất nhiều chi tiết như phần đám mây, thân… không toát lên được vẻ mềm mại, uyển chuyển. Nói tóm lại, mẫu tượng này không đạt chất lượng mỹ thuật so với mẫu tượng nguyên bản.
Tuy vậy, khi đúc xong, mẫu tượng được làm bằng chất liệu composite này cũng được đặt tại khu bãi đúc tượng đài Thánh Gióng, gần với mẫu tượng nguyên bản. “Vì vậy, nói rằng bản gốc tượng đài Thánh Gióng vẫn được bảo vệ, không có chuyện đập phá là hoàn toàn sai sự thật”, ông Xuân nhấn mạnh.
Nói về mẫu tượng nguyên bản hay còn gọi là mẫu phác thảo hoàn chỉnh nhất tượng đài Thánh Gióng, ông Kim Xuân cho biết: Sau khi phát động cuộc thi, có tất cả 28 mẫu tượng đài Thánh Gióng của nhiều tác giả tham dự. Trên cơ sở này, Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 10 mẫu trong số 28 mẫu. Tiếp đó, Hội đồng nghệ thuật lại tiếp tục nghiên cứu chọn 4 mẫu trong tổng số 10 mẫu vào vòng chung kết. Và cũng từ 4 mẫu này, Hội đồng nghệ thuật chọn 2 mẫu để trình UBND thành phố HN xem xét, quyết định chọn 1 mẫu để hoàn chỉnh.
Rất may mắn, mẫu tượng đài Thánh Gióng của tôi đã được UBND thành phố quyết định chọn để tiếp tục hoàn chỉnh trên cơ sở góp ý của Hội đồng nghệ thuật, các nhà nghiên cứu và các cơ quan có thẩm quyền. Qua 8 lần chỉnh sửa trong vòng 6 năm từ 2004-2009, mẫu tượng Thánh Gióng của tôi đã trở nên hoàn chỉnh, được Hội đồng đánh giá cao. Từ mẫu hoàn chỉnh này, tôi chuyển từ chất liệu đất sang thạch cao để giữ gìn được lâu hơn, còn để chất liệu đất sẽ bị biến dạng, với chiều cao tính cả bệ là 3m, nặng xấp xỉ 2 tấn. Từ mẫu phác thảo hoàn chỉnh nhất này, tôi cùng với nhiều nhóm thợ làm mẫu bước phóng lớn, tỷ lệ 1/1. Sau khi phóng xong tỷ lệ 1/1, Hội đồng nghệ thuật tiếp tục thẩm định, cho ý kiến và tiến hành đúc tượng. Trước, trong quá trình đúc tượng đài Thánh Gióng, mẫu nguyên bản đã được di chuyển từ bãi nổi (gần cổng vào di tích đền Sóc) sang bãi đúc tượng Thánh Gióng vừa là để đối chiếu với mẫu phóng với tỷ lệ 1/1, vừa là để quan khách và nhân dân đến làm lễ, chiêm bái.
Sau khi đúc thành công công trình tượng đài Thánh Gióng, mẫu tượng làm bằng chất liệu thạch cao có tỷ lệ 1/1 đã được hạ dỡ, còn mẫu tượng nguyên bản của tôi vẫn được để tại bãi đúc, trên đó có mái che để cho nhiều người dân đến chiêm bái, đồng thời cũng là mẫu để tiếp tục đúc tiếp ba tượng đồng cùng kích thước. Thế nhưng, chưa kịp làm thì người ta vô tâm phá nát.

  Nhóm P.V baovanhoa.vn

SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ